- Nhằm chủ động, đảm bảo cung – cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
- Gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do đó hàng hóa, thuốc trong Chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có nguồn cung dồi dào, ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
- Chương trình thực hiện theo hướng xã hội hóa, gắn kết và khai thác tối đa tiềm năng các nguồn lực xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Thành phố, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp tại các tỉnh, Thành phố để đầu tư vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân Thành phố và mở rộng thị trường.
- Thúc đẩy phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Căn cứ Kế hoạch ban hành kèm theo các Quyết định nêu trên, Sở Tài chính được giao thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Nhiệm vụ của Sở Tài chính tại Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm Quyết định số 962/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố:
- Chủ trì phối hợp sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện công bố, điều chỉnh, quản lý giá bình ổn thị trường theo Quy chế quy định tại Quyết định số 4556/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký Giá bình ổn thị trường của doanh nghiệp; chủ trì phối hợp sở, ngành, doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối xem xét, xác định và công bố Giá bình ổn thị trường phù hợp Quy chế quy định tại Quyết định số 4556/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trên cơ sở danh sách điểm bán hàng bình ổn thị trường do Sở Công thương cung cấp, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của sản phẩm bình ổn thị trường; xử lý nghiêm theo pháp luật, quy định của Chương trình đối với các trường hợp vi phạm.
2. Nhiệm vụ của Sở Tài chính tại Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 – 2024 ban hành kèm Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 24/3/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố:
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Chi cục Tài chính doanh nghiệp và Sở ngành liên quan thẩm định giá đăng ký bình ổn, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị tham gia Chương trình.
Qua các báo cáo tình hình giá cả thị trường gửi Văn phòng Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận – huyện, thành phố Thủ Đức: Sở Tài chính vẫn đang thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch. Theo nội dung Báo cáo số 3347/STC-QLG ngày 02/6/2023 của Sở Tài chính về tình hình giá cả thị trường Thành phố tháng 5 năm 2023:
“Sở Tài chính đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá thị trường nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để kịp thời nắm thông tin thị trường, xử lý và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các biện pháp quản lý giá trong trường hợp có biến động, điều chỉnh kịp thời và chính xác đối với mức giá đăng ký của doanh nghiệp tham gia các Chương trình bình ổn thị trường.
Qua so sánh với giá bình quân của các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố, các chợ trong mạng lưới báo giá của Sở Tài chính và giá tại các kênh siêu thị trên thị trường, đến nay, giá bán hầu hết của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đều đảm bảo tiêu chí “Giá bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (trừ rau củ quả, sữa), các mặt hàng phục vụ học tập, các mặt hàng thuốc thiết yếu: thấp hơn tối thiểu 5% so với Giá bình quân thị trường cùng thời điểm của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng”, cụ thể: giá gạo thấp hơn giá thị trường 10,6%; đường ăn thấp hơn 14,7%; dầu ăn thấp hơn 7,9%; thịt gia cầm thấp hơn 7-33%, thịt heo thấp hơn 5-9,8%; trứng gia cầm thấp hơn 10,7-11,9%.
...
Trong kỳ báo cáo, Đoàn kiểm tra giá Sở Tài chính và Đoàn kiểm tra giá liên ngành Thành phố Thủ Đức và các quận huyện đã thực hiện 93 lượt kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, giá đăng ký, cụ thể: 01 lượt tại chợ truyền thống, 24 lượt tại các cửa hàng, siêu thị bán mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường, 06 lượt tại các điểm kinh doanh dịch vụ trông giữ xe, 06 lượt tại điểm kinh doanh gas, 23 lượt tại các điểm kinh doanh dược phẩm và 33 điểm kinh doanh khác.
Tại thời điểm kiểm tra, các điểm kinh doanh, chợ truyền thống, nhà thuốc,... chấp hành việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá niêm yết; các điểm kinh doanh dịch vụ giữ xe có niêm yết giá và thu tiền giữ xe theo giá niêm yết, mức giá theo quy định tại Quyết định 35/2018/QĐ-UBND ngày 21/9/2018 của UBND Thành phố.”