SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
5
8
9
0
2
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 28 Tháng Tám 2014 3:55:00 CH

Những lời dạy của Bác Hồ về công tác tài chính

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần sáng thứ hai ngày 18/08/2014, Chi bộ Thanh tra đã kể câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Những lời dạy của Bác Hồ về công tác tài chính”.

 

Đại diện Chi bộ Thanh tra kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM

 

Chúng ta đều biết: sau cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân ra đời, tiếp quản một nền kinh tế - tài chính kiệt quệ, dân cùng, tài tận, ngoài Bắc bè lũ Quốc dân đảng bám chân quân đội Tưởng Giới Thạch, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, phía Nam thực dân Pháp trở mặt xâm lược Nam Bộ. Trước tình hình khó khăn về chính trị - kinh tế - xã hội. Bác đã chủ trương “muốn chống được thù trong giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập – tự do thật sự cho đất nước phải xây dựng nền tài chính nước ta dồi dào, trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển sản xuất với phương châm dựa vào dân, lấy dân làm gốc”.
                Bác đề ra: phải tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền tài, vật lực để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế phục vụ kháng chiến, kiến quốc, giải quyết đời sống nhân dân. Trong đợt vận động nhân dân đóng góp vàng, đồng, của cải vào quỹ tài chính Nhà nước, Bác nêu rõ :”Tuần lễ vàng, đồng không những có ý nghĩa nhân dân giúp vào nền tài chính quốc phòng, mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng là: đồng bào cả nước đều hy sinh, người hy sinh vàng bạc, tiền của để giữ vững nền độc lập – tự do cho Tổ quốc”.
                Những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, Bác đã vạch ra nhiệm vụ có tính chất chiến lược về kinh tế - tài chính. Bác chỉ rõ: “Chúng ta cần có nền kinh tế khá để kháng chiến và kiến quốc, muốn xây dựng nền kinh tế vững phải có tiền của để làm vốn, muốn có vốn chỉ có cách: một mặt tăng gia sản xuất, một mặt phải thực hành tiết kiệm tích trữ thêm vốn để xây dựng và phát triển kinh tế của ta, không thể như các nước tư bản vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các nước thuộc địa, bóc lột công nhân và nông dân để có vốn được”.
                Bác căn dặn: “Cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc làm trôi chảy, thuế má dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu, dân giàu thì nước thịnh”. Phải thực hiện khẩu hiệu: “Tự lực cánh sinh dựa vào sức mạnh là chính; nhằm đảm bảo đủ no, đủ ấm cho toàn dân, đủ nuôi cán bộ, bộ đội ăn no, đánh thắng kẻ thù”.
                Trong công tác tổ chức quản lý tài chính, quan điểm cơ bản của Bác là: “Tài chính là phải thống nhất và phải nắm vững nguyên tắc thống nhất quản lý tài chính, quy định chặt chẽ kỷ luật thu-chi. Bác chỉ rõ: trong công cuộc xây dựng nước nhà việc quản lý kinh tế - tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc, nên phải tăng cường và củng cố việc quản lý sản xuất, quản lý vật tư kỹ thuật, quản lý lao động và quản lý tiền bạc. Phải ra sức nghiên cứu sớm và kiên quyết thực hiện việc cải tiến quản lý kinh tế - tài chính cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh hiện nay, hợp với hướng tiến lên phía sau”.
                Bác thường căn dặn cán bộ: “Đã tích lũy được vốn, phải biết quản lý đồng vốn, phải biết sử dụng đồng tiền, phải biết tiết kiệm chi tiêu để làm tăng thêm của cải cho xã hội. Cần phải dùng nhiều phương pháp để giữ gìn cho tiền bạc của chúng ta khỏi lãng phí, bị phân tán, bị dùng vào việc ngoài công việc xây dựng cơ bản”. Bác căn dặn: “Làm ra nhiều, chỉ dùng ít, không cần thì không chi dùng, đó là chính sách tài chính của ta”. Bác kêu gọi: các ngành, các cấp phải nắm vững và thực hiện tốt nguyên tắc quản lý tài chính, tìm mọi biện pháp tăng thu, giảm chi và quy định chặt chẽ kỷ luật thu chi. Đối với các xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, Bác nhắc nhở: “Việc chi tiêu tài chính phải công khai, sổ sách phải minh bạch và thật thà, kế toán tiền bạc phải hết sức tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô”.
                Bác còn chỉ dẫn: “Phải khéo tính toán chi tiêu tiền bạc cho hợp lý, đó là một nghệ thuật quan trọng, nghệ thuật ấy không phải là dễ, các cán bộ ta chưa thông thạo nghệ thuật ấy, thậm chí còn rất kém, cần thừa nhận sự kém cỏi ấy để học tập, sửa chữa…”.
                Bác còn chủ trương: rèn luyện phẩm chất đạo đức mới “Cần, kiệm, liêm, chính”, cho cán bộ hoạt động tài chính ở mọi lĩnh vực. Bác chỉ rõ: Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, không đơn thuần và vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị - xã hội và cách mạng sâu sắc. Bác luôn dạy chúng ta: “Sản xuất và tiết kiệm là chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước ta, chúng chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm khác nào gió vào nhà trống”.
                Bác đề ra chủ trương: “Thực hành tiết kiệm phải chống lại mặt đối lập với nó là: tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Bác quy tội: tham ô, lãng phí, quan liêu là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, nó là kẻ thù của chúng ta, một loại kẻ thù không mang gươm, mang súng nhưng rất nguy hiểm, trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nên việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận.
                Bác chỉ thị cho “Cán bộ, Đảng viên phải giữ vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng, ra sức rèn luyện đạo đức, thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không xâm phạm một đồng xu, một hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng thì chắc chắn cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ thành công”.
 
Chi bộ Thanh tra

Số lượt người xem: 8088    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm