SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
6
2
1
6
2
Tin tức sự kiện 02 Tháng Sáu 2014 2:35:00 CH

Kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác Hồ

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần sáng thứ hai ngày 19/05/2014, Chi bộ Công sản đã kể câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác Hồ”.
 

 

 
"Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, toàn dân ta lại cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và dân tộc Việt Nam.
Đã 124 năm ngày Bác ra đời, dù thời gian, thời cuộc đã xoay vần nhưng công lao, tấm lòng của Bác vẫn không phai mờ trong mỗi người con Việt Nam.Tôi nhớ một câu chuyện nhỏ về con người của Bác ở một khía cạnh rất bình thường, "Vào một buổi chiều Việt Bắc, trời đông im ắng và cô quạnh, bà Trường Chinh có dẫn một cô con gái lên thăm Bác. Lúc tiễn hai mẹ con ra đầu dốc, Người cứ đứng nhìn theo mãi. Khi quay về, các đồng chí thấy mắt Bác long lanh ướt. Bác bảo với mọi người:
" - Chúng ta, ai cũng đều mong ước một gia đình ấm cúng. Người cách mạng là người giàu tình cảm, lại càng quý trọng cuộc sống gia đình, chẳng qua đây không phải là lúc để thực hiện điều đó, đành phải chịu đựng mà thôi. Ta chưa lo được gia đình nhỏ thì hãy lo cho gia đình lớn đã vậy..."
"Gia đình lớn" của Người, của cách mạng là nhân dân, là đại dân tộc Việt Nam. Người đã bỏ qua những niềm hạnh phúc riêng của mình mà dành trọn cuộc đời cho những niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Cuộc đời của Người mồ côi mẹ từ năm lên chín, mười năm sau giã biệt người cha già, ra đi tìm đường cứu nước, anh mất rồi chị mất, Bác đều không có điều kiện chăm lo. Dù rất quý trọng tình cảm gia đình, dù biết rằng sự lựa chọn nào cũng mất mát nhưng Bác - con người vĩ đại của dân tộc - đã lựa chọn một cuộc sống không chỉ cho riêng bản thân mà cho mọi người, mọi tầng lớp, mọi giai cấp.
Có thể, giây phút nào đó bất chợt trong đời Người, Bác của chúng ta đã đối mặt với sự cô đơn của một người xa xứ, xa gia đình nhưng điều tuyệt vời nhất là Bác đã để lại những tình cảm lớn hơn sưởi ấm lòng mình, là động lực giúp con người Hồ Chí Minh vươn lên, vượt lên tất cả. Con người ấy, vốn chẳng phải thần thánh mà chỉ đơn giản  là một con người có tầm vóc cao quý và một trái tim vô biên với dân tộc.
Chợt nhớ lại ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ đó trở đi, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui lâng lâng, kính yêu Bác vô hạn. Cũng vào dịp này toàn dân lại dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất học tập, công tác, mừng Ngày sinh Bác Hồ kính yêu.
Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi nhân dân. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ.
Ở Hà Nội, đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Có năm, vào dịp Ngày sinh của Bác, Bác Hồ sang công tác bên Trung Quốc. Hôm ở nhà nghỉ Bắc Kinh, các đồng chí ở đây biết Ngày sinh của Bác nên chuẩn bị chúc thọ, Người nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: "Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vìvậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây".
Và vào một dịp ngày sinh năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi bà Ðặng Dĩnh Siêu - Cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc: "Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh "chúc thọ", "tránh tặng quà".
Ngày 19/5, Bác vắng nhà. Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ tổ chức đánh bắt cá thịt tại ao cá mà Người vẫn hằng ngày chăm sóc, để biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cho anh chị em trong cơ quan phục vụ Bác cải thiện bữa ăn. Việc này vừa thể hiện sự quan tâm chăm lo của Bác đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người tận tụy công tác chăm lo cuộc sống hằng ngày của Bác.
Vào những dịp đó, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết. Bác thường làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ.
Cả cuộc đời vì nước, vì dân, Bác đau đáu vì miền Nam chưa được giải phóng, Bắc - Nam chưa được sum họp một nhà, nhiều gia đình ngày Bắc, đêm Nam. Ngày 19-5-1963, Quốc hội có ý tặng Bác Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam, Bác nói: “Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng Quốc hội cho phép tôi chưa nhận, vì tôi tự thấy chưa xứng đáng... Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào miền Nam tặng thì tôi xin nhận”. Bác mất đi, trên ngực không một tấm huân chương. Nhưng tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân cả nước trao tặng Bác là niềm tin tuyệt đối, tình cảm yêu quý Bác.
Là lãnh tụ của Đảng, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác căn dặn việc Đảng, việc nước, việc dân phòng khi Bác đi xa. Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh, đúng 9 giờ sáng, giờ đẹp nhất của ngày 10-5-1965, Bác đặt bút viết dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - Di chúc.
Ngày 19-5-1968, Bác xem và sửa lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật” và có bài thơ :
“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lợi
Tiến bước ta cùng con em ta” .
Ngày 19-5-1969, đúng 9 giờ sáng Bác tiếp tục sửa chữa bản Di chúc. Đây là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 - kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác.
Hồ Chí Minh cả cuộc đời không một phút riêng tư, “nâng niu tất cả chỉ quên mình ”, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cao đẹp nhất.
Chi bộ Công sản

Số lượt người xem: 3572    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm