SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
7
7
2
3
8
0
Tin tức sự kiện 19 Tháng Ba 2012 8:25:00 CH

Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập: Thêm một bước đột phá về cơ chế tài chính

Đổi mới cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính trong năm 2012. Tại Kết luận số 37- TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ: “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ then chốt, góp phần hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hướng đi đúng từ cơ chế tài chính
Những năm qua, cơ  chế chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực sự nghiệp công đã từng bước đổi mới.
Qua thực tế  triển khai cho thấy việc thực hiện cơ chế tự  chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ là đúng hướng và đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đã từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập; tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; tạo quyền tự chủ, chủ động cho đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính... Cùng với sự phát triển của nền kinh tế- xã hội, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Theo thống kê  của Bộ Tài chính, giai đoạn 2001 - 2010, tổng nguồn vốn dành cho lĩnh vực y tế đạt 280.705 tỷ đồng chiếm 2,7% GDP; tổng nguồn vốn dành cho giáo dục, đào tạo là 603.870 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 20% tổng chi NSNN từ năm 2008.
Tính đến năm 2010, đã có 24.965 đơn vị sự nghiệp công lập  được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính; trong đó có 795 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên chiếm 3,1% tổng số đơn vị sự nghiệp, 10.019 đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên chiếm 40,2% tổng số đơn vị sự nghiệp và 14.151 đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động chiếm 56,7%. Như vậy, chủ yếu các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN đảm bảo một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động.
Tuy nhiên, kết quả  đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt các nhu cầu của xã hội do một số nguyên nhân như: Nhận thức của người dân, xã hội về đổi mới hoạt động của đơn vị cung ứng dịch vụ công lập và xã hội hoá còn hạn chế, chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; Chính sách hai giá vẫn được duy trì trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dẫn đến sự quá tải đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Không thể ỷ lại vào ngân sách nhà nước
Theo Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, trong thời gian tới cần phải đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư của NSNN; đồng thời đổi mới cơ chế tính và thu giá dịch vụ theo hướng từng bước tính đủ chi phí. Các đơn vị sự nghiệp công lập phát huy sự năng động, không thể mãi ỷ lại vào ngân sách nhà nước.
Thực tế hiện nay các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu do NSNN đảm bảo một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Đối với cơ quan bộ, ngành Trung ương, trong tổng số 740 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính, có 207 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên (chiếm 28%), 461 đơn vị đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên (chiếm 62,3%) và 72 đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động chiếm 9,7%. Trong khi đó, đối với các cơ quan địa phương, có 14.079 đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 58,2%).
Theo lý giải của Vụ Hành chính Sự nghiệp, nguyên nhân là do hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ; tiêu chí kết hợp việc đánh giá kết quả sử dụng kinh phí với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng hoạt động sự nghiệp công khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể. Bên cạnh đó, một số chính sách là tiền đề, điều kiện quan trọng của việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập (như hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành, lĩnh vực sự nghiệp, chính sách viện phí, học phí) còn chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Một số đơn vị sự nghiệp còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cơ quan cấp trên, chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Khơi dậy khả năng vận động của các đơn vị
Vụ Hành chính sự nghiệp cho rằng, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, cần thực hiện 2 giải pháp đột phá quan trọng đó là:  Đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư  của NSNN; và đổi mới cơ chế tính và thu giá dịch vụ đào tạo, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng từng bước tính đủ các chi phí (trong đó có tiền lương) trong giá dịch vụ sự nghiệp.
Nhà nước sẽ tiếp tục tăng đầu tư đối với các lĩnh vực sự nghiệp công trọng yếu phù hợp với khả năng của NSNN và thực hiện cơ cấu lại chi NSNN đối với từng lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo hướng NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tại các vùng sâu, vùng xa; Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ gắn với chất lượng sản phẩm.
Để đổi mới chính sách và phương thức quản lý tài chính, sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hoá cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện…) theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành; được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN; được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc.
Trong năm 2012, Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện thể chế, bảo đảm đồng bộ về các chính sách nhằm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách đấu thầu, đặt hàng giao nhiệm vụ cung cấp một số dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định tại Quyết định 39/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng phương án về đổi mới cơ chế hỗ trợ từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục tăng dần đầu tư từ NSNN đối với các hoạt động sự nghiệp công trên cơ sở thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; sửa đổi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi của các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp trong việc tiếp cận các dịch vụ công cơ bản...
(Theo Website Bộ Tài chính)

Số lượt người xem: 10397    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm